Truyền tải điện Quốc gia: 10 năm vượt thách thức

 Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị khủng hoảng nên gặp khó khăn về tài chính, vốn đầu tư. Bên cạnh đó, lưới truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải xảy ra trên diện rộng ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt, giá truyền tải điện quá thấp, vì vậy không có đủ vốn đối ứng cho đầu tư xây dựng... Trước khó khăn, thách thức đó, tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT đã hết sức nỗ lực phấn đấu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (1/7/2008 - 1/7/2018), Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT xung quanh vấn đề này.

NLVN_150618_1.jpg
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Năng lượng Việt Nam: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập EVNNPT, xin ông cho biết vài nét về những thành tựu phát triển lưới truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy mà EVNNPT đã đạt được đến nay?

Ông Đặng Phan Tường: 10 năm qua, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển mạnh về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Hiện nay, EVNNPT quản lý vận hành 24.368 km đường dây (ĐD) 500 kV, 220 kV (bao gồm 7.503 km ĐD 500 kV và 16.865 km ĐD 220 kV), tăng 102%, 141 trạm biến áp (TBA) 500 kV, 220 kV (gồm 28 TBA 500 kV và 113 TBA 220 kV) với tổng dung lượng MBA là 81.288 MVA, tăng 120% về số TBA và tăng 217% về tổng dung lượng so với thời điểm thành lập Tổng công ty.

Về công tác quản lý vận hành, trong những năm qua, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tính tuân thủ và nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác kiểm tra định kỳ, vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn. Đảm bảo trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ làm việc cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện. Phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an toàn Hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Qua 10 năm hoạt động, EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định Hệ thống truyền tải điện quốc gia với sản lượng điện truyền tải là 1.184,7 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm, qua đó đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, trong 10 năm qua, Tổng công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng (ĐTXD) rất lớn, với tổng giá trị đầu tư trên 140 nghìn tỷ đồng, đưa vào vận hành 446 công trình lưới truyền tải điện, trong đó có các công trình trọng điểm đóng vai trò rất quan trọng như các ĐD giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các Trung tâm Điện lực (TTĐL) Duyên Hải, Vĩnh Tân, Mông Dương, Vũng Áng,... Các dự án đảm bảo cấp điện cho miền Nam như ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, TBA 500 kV Pleiku 2, ĐD 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long,… Các dự án đảm bảo cấp điện cho thủ đô Hà Nội như các TBA 500 kV Thường Tín, Phố Nối, Đông Anh, các TBA 220 kV Thành Công, Vân Trì, Sơn Tây, Đông Anh, Long Biên, Tây Hà Nội; ĐD 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, các ĐD 220 kV Hà Đông - Thành Công, Sóc Sơn - Vân Trì - Chèm, Hòa Bình - Tây Hà Nội,… Đảm bảo cung cấp điện cho TP Hồ Chí Minh như TBA 500 kV Cầu Bông, TBA 220 kV Đức Hòa, các ĐD 220 kV Cầu Bông - Đức Hòa, Cầu Bông - Hóc Môn - rẽ Bình Tân... Cùng nhiều dự án xây dựng mới, cũng như nâng công suất các ĐD và TBA để đảm bảo cung cấp điện cho các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Đến nay, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước Trung Quốc, Lào, Camphuchia với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm 220 kV, trạm GIS 220 kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA,... Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã đảm bảo vai trò "xương sống" trong hệ thống điện.

Do có vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có các mạch vòng 500 kV nhằm tăng cường độ ổn định, tin cậy cung cấp điện tại khu vực miền Bắc (Thường Tín - Phố Nối - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín) và miền Nam (Nhà Bè - Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè). Đã kết nối lưới truyền tải điện khu vực miền Đông Nam bộ với miền Tây Nam bộ ở cấp điện áp 500 kV (ĐD 500 kV Phú Lâm - Ô Môn).

Đặc biệt, hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam, gồm các ĐD 500 kV Bắc - Nam mạch 1, mạch 2, ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và các TBA 500 kV trên tuyến có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong những năm qua cũng như trong thời gian tới trong bối cảnh các nguồn điện miền Nam không đảm bảo tiến độ.

NLVN_150618_2.jpg
Lãnh đạo EVNNPT kiểm tra các dự án truyền tải điện giải phóng công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Năng lượng Việt Nam: Với vai trò đảm bảo truyền tải điện ngày càng an toàn, tin cậy hơn phục vụ cho sản xuất và đời sống, xin ông cho biết những biện pháp để lưới truyền tải đạt được tiêu chí dự phòng toàn lưới đạt N-1 và một số khu vực trọng điểm đạt N-2 vào năm 2020 theo dự kiến?

Ông Đặng Phan Tường: Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (QHĐ VII điều chỉnh), danh mục đầu tư lưới truyền tải điện giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo QHĐ VII (điều chỉnh) được xây dựng trên nguyên tắc: "Xây dựng và nâng cấp lưới điện, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới truyền tải điện; đến năm 2020, lưới truyền tải điện đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định".

Hàng năm, EVNNPT đều tập trung triển khai ĐTXD các dự án theo QHĐ VII (điều chỉnh), được cụ thể hóa bằng kế hoạch ĐTXD lưới truyền tải điện năm tới và năm tiếp theo do Bộ Công Thương phê duyệt và kế hoạch ĐTXD hàng năm do Tập đoàn giao. Chúng tôi cố gắng để hoàn thành các dự án theo QHĐ VII (điều chỉnh) có tiến độ đóng điện từ nay đến năm 2020 để hoàn thành mục tiêu Hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng tiêu chí N-1 vào năm 2020 như Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã đề ra.

Ngoài ra, EVNNPT đã xây dựng Đề án "Chương trình đầu tư lưới truyền tải điện đảm bảo tiêu chí N-1 giai đoạn 2018 - 2020". Trong đó đã xây dựng danh mục đầu tư để đảm bảo tiêu chí N-1 đối với toàn bộ hệ thống truyền tải điện và N-2 đối với một số khu vực trọng điểm như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2020. Hiện nay, Tổng công ty đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để triển khai thực hiện.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết những giải pháp và định hướng cho phát triển lưới truyền tải điện theo hướng "lưới điện Thông minh - smart grid"?

Ông Đặng Phan Tường: Việc ứng dụng khoa học công nghệ luôn được EVNNPT quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Trong những năm tiếp theo, EVNNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra.

Chúng tôi đã xây dựng và đang triển khai thực hiện "Đề án Lưới điện thông minh" nhằm: hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện; nâng cao độ tin cậy, hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện; giảm tổn thất điện năng và tăng năng suất lao động.

Để đạt được các mục tiêu trên, EVNNPT đã và đang triển khai thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất: Nâng cao độ ổn định lưới điện, ổn định điện áp và cân bằng công suất phản kháng: gồm các dự án trang bị thiết bị bù (SVC, FACTs), hệ thống giám sát diện rộng (WAMS), thiết bị giám sát nhiệt động đường dây (DLR), thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch,...

Thứ hai: Nâng cao khả năng giám sát và điều khiển xa: gồm các dự án trạm biến áp không người trực, trang bị hệ thống tự động hóa trạm, hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm, hệ thống giám sát dầu Online,...

Thứ ba: Nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền tải điện: gồm các dự án trang bị hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị sự cố, hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo sét, ứng dụng máy bay không người lái (UAV), máy bay trực thăng trong sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra tuyến đường dây, trạm biến áp,...

Thứ tư: Đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật đảm bảo có đủ trình độ năng lực để đáp ứng công nghệ mới của lưới điện thông minh.

Định hướng về việc xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh như sau:

Giai đoạn 2018 - 2020, triển khai thực hiện các giải pháp để tạo lập hệ thống truyền tải điện thông minh.

Giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thiện hệ thống truyền tải điện thông minh.

Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040, triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển hệ thống truyền tải điện thông minh gắn với ứng dụng các công nghệ tạo khả năng tự hồi phục hệ thống điện.

Năng lượng Việt Nam: Theo dự báo, hiện nay và trong vòng 4-5 năm tới, các dự án nguồn điện ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm so với kế hoạch, gây ra nguy cơ mất cân đối cung - cầu điện và thiếu nguồn điện tại miền Nam. Xin ông cho biết EVNNPT đã thực hiện những giải pháp gì trong việc khắc phục khó khăn này để luôn đảm bảo cung cấp điện an toàn?

Ông Đặng Phan Tường: Để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ, EVNNPT đang khẩn trương triển khai các dự án đầu tư lưới truyền tải điện để giải tỏa công suất các nguồn điện phía Nam và nâng cao năng lực lưới truyền tải điện Bắc - Nam, cụ thể:

Một là: Đối với các dự án lưới truyền tải điện đồng bộ với các nguồn điện khu vực miền Nam:

Các dự án đồng bộ TTĐL Long Phú: ĐZ 500 kV NĐ Long Phú - Ô Môn và các ĐZ 220 kV TTĐL Long Phú - Cần Thơ - Trà Nóc và TTĐL Long Phú - Sóc Trăng.

Các dự án đồng bộ TTĐL Vĩnh Tân: để đảm bảo truyền tải hết công suất của TTĐL Vĩnh Tân khi đưa các NMNĐ Vĩnh Tân 1, 4 vào vận hành, EVNNPT đang tập trung triển khai các dự án ĐZ 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Mây - Tân Uyên và TBA 500 kV Tân Uyên.

Các dự án đồng bộ TTĐL Sông Hậu: hiện EVNNPT đang triển khai các dự án ĐD 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa và TBA 500 kV Đức Hòa, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2019, sẵn sàng để truyền tải công suất của TTĐL Sông Hậu vào HTĐ quốc gia.

Hai là: Đối với các dự án nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc - Nam:

EVNNPT đang triển khai rất khẩn trương các dự án ĐD 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) để tăng cường khả năng truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Đây là các dự án rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ. Các dự án dự kiến khởi công trong quý III/2018.

Các dự án ĐD 220 kV mạch 2 Đồng Hới - Đông Hà - Huế: EVNNPT đang đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thành đưa vào vận hành trong quý III/2018.

Ba là: Đối với các dự án tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực miền Nam:

Hiện nay, EVNNPT đang triển khai các dự án theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực miền Nam như TBA 500 kV Long Thành, Chơn Thành, Củ Chi; nâng công suất các TBA 500 kV Tân Định, Nhà Bè, Mỹ Tho, Ô Môn; các ĐD 500 kV Chơn Thành - Đức Hòa, Mỹ Tho - Đức Hòa và các dự án xây dựng mới cũng như nâng công suất các ĐD, TBA 220 kV để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các tỉnh, thành phố thuộc miền Nam.

Năng lượng Việt Nam: Được biết EVNNPT đang cho nghiên cứu lập "Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040". Xin ông cho biết những nét lớn về quan điểm và nội dung của Chiến lược này?

Ông Đặng Phan Tường: Chúng tôi đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển như sau:

Phát triển bền vững lĩnh vực truyền tải điện; lĩnh vực truyền tải điện phải đi trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực truyền tải điện trong tất cả các hoạt động từ quản lý vận hành, dịch vụ sửa chữa, đầu tư phát triển, quản trị doanh nghiệp; sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện. Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền tải điện để đảm bảo khả năng truyền tải công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, nâng cao an ninh lưới điện và chất lượng dịch vụ truyền tải điện.

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động như: xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện, dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, quản trị doanh nghiệp,…

Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài EVNNPT để đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế.

Phát triển lĩnh vực truyền tải điện phải thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Mục tiêu chiến lược là phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2025 vươn lên hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.

Để đạt được mục tiêu chiến lược, chúng tôi sẽ phải tập trung thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực hoạt động như: đầu tư xây dựng; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tài chính và huy động vốn; thông tin truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năng lượng Việt Nam: Trong điều kiện giá truyền tải điện còn thấp, hạn chế về vốn đầu tư, xin ông cho biết những biện pháp gì để khắc phục khó khăn, huy động được vốn đầu tư để cải tạo và phát triển lưới truyền tải, đảm bảo vai trò chính trị của EVNNPT?

Ông Đặng Phan Tường: Để huy động đủ vốn cho công tác ĐTXD, ngoài các hình thức vay vốn tín dụng thương mại, ODA, chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thu xếp vốn trong tình hình mới, không có bảo lãnh của Chính phủ, đã chủ động làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài để tìm kiếm các hình thức huy động vốn mới như vay vốn theo hình thức không ràng buộc, vay vốn tín dụng xuất khẩu và các hình thức vay khác không có bảo lãnh của Chính phủ, chuẩn bị các điều kiện để phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế,…

EVNNPT cũng thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, nhu cầu tăng trưởng phụ tải tại các khu vực dự kiến xây dựng dự án để sắp xếp, điều chỉnh thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án cho phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác thu xếp vốn.

Năng lượng Việt Nam: Trong xây dựng các công trình lưới truyền tải điện, một trong những khó khăn lớn là bố trí đất đai cho trạm biến áp và đền bù, giải phóng hành lang tuyến đường dây tại các địa phương. Xin ông cho biết EVNNPT có những biện pháp gì để phối hợp với chính quyền và người dân địa phương để đảm bảo công trình được đưa vào đúng tiến độ?

Ông Đặng Phan Tường: Khó khăn lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án ĐTXD là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB). Để giải quyết thách thức, khó khăn này chúng tôiđã triển khai các giải pháp như sau:

Thứ nhất: Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa EVNNPT, đơn vị quản lý dự án với chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua. Cử các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường trực trên tuyến, chủ động phối hợp với Hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất, các tổ chức đoàn thể cấp huyện, xã đến từng hộ gia đình để giải thích các chính sách, quy định về BTGPMB của Nhà nước. Đồng thời vận động các hộ dân, các tổ chức bị ảnh hưởng ủng hộ, sớm đồng thuận với phương án bồi thường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đề xuất cấp trên giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ.

Thứ hai: Thường xuyên báo cáo EVN những khó khăn, vướng mắc để có sự chỉ đạo và hỗ trợ làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh để giải quyết kịp thời. Một số trường hợp đặc biệt, đề xuất EVN báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ có công điện, văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ EVNNPT trong công tác BTGPMB.

Thứ ba: Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền tại địa phương để cung cấp các thông tin về chủ trương đầu tư, tình hình thi công dự án, các chính sách liên quan đến công tác BTGPMB. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân tại địa phương nhằm tạo sự nhìn nhận khách quan và đồng thuận trong nhân dân, từ đó ủng hộ và hỗ trợ cho Tổng công ty thực hiện dự án.

Năng lượng Việt Nam: Xin cảm ơn ông. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ cán bộ, công nhân trong suốt mười năm qua đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, cùng góp sức xây dựng nên một thương hiệu Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững của ngày hôm nay.

Anh Tuấn
Videos - Clips khóa đào tạo
Văn hóa EVNNPT
Văn bản pháp quy
Baner 15 năm