EVNNPT tổ chức đào tạo Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ Phụ nữ: Người phụ nữ phải tự khẳng định mình trước

 Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng trong thời đại ngày nay, người phụ nữ còn tham gia xây dựng kinh tế. Với mục đích nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, trong công việc và cải thiện đời sống cho người phụ nữ, trong hai ngày 16 - 17/8/2018 tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Khóa đào tạo về Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ Phụ nữ. EVNNPT giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện.

Tham dự khóa đào tạo, về phía EVNNPT có sự tham dự của ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ (VSTBPN); ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn; bà Lương Lan Dung - Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế, Phó trưởng ban VSTBPN, Trưởng Ban Nữ công quần chúng Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Cơ quan EVNNPT; lãnh đạo các Ban chuyên môn. Về phía các đơn vị thành viên của EVNNPT có sự tham dự của các đồng chí Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban VSTBPN, Trưởng ban Nữ công, lãnh đạo các phòng chức năng, cùng các chuyên viên làm công tác VSTBPN. Các chuyên gia từ Công ty TNHH Deloitte Việt Nam hướng dẫn, truyền đạt kiến thức tại khóa đào tạo.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo khóa đào tạo, ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng giám đốc EVNNPT nhắc lại những thành tựu to lớn EVNNPT đã đạt được trong 10 năm qua. Thành quả đó có được là do sự đóng góp rất lớn của toàn thể cán bộ công nhân viên chức lao động của EVNNPT. Ông Vũ Trần Nguyễn đặc biệt nhấn mạnh vai trò đóng góp của các nữ cán bộ công nhân viên. Ông Nguyễn mong muốn toàn thể các học viên tiếp thu đầy đủ những kiến thức từ khóa đào tạo này và áp dụng để làm tốt hơn nữa công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại EVNNPT.

Nội dung của khóa đào tạo tập trung vào các chuyên đề: Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Việt Nam, Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại nơi làm việc.


Ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ EVNNPT phát biểu chỉ đạo khóa đào tạo

Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Việt Nam: Thực trạng qua những nghiên cứu mới nhất

Diễn giả Từ Thu Hiền - Người sáng lập và Giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh WISE - trình bày những nghiên cứu mới nhất về thực trạng bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Việt Nam hiện nay. Thực trạng hiện nay, khoảng cách chênh lệch giữa nam và nữ khá lớn: khoảng cách thu nhập của nữ so với nam là 11,24%; thời gian làm việc không được trả lương (làm công việc gia đình) của nữ vẫn cao hơn nam; tỉ lệ tiếp cận giáo dục của nữ thấp hơn so với nam; tỉ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ là 21%. Trong khởi nghiệp và kinh doanh, doanh nhân nữ Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn so với nam như: khó tiếp cận vốn hơn, khó xây dựng mạng lưới để mở rộng thị trường hơn, thiếu kiến thức và kỹ năng hơn, ít nhận được ủng hộ của gia đình và xã hội.

Một điều may mắn là, vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được nhận diện và ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện. Ngày càng có nhiều quy định của pháp luật về bình đẳng giới như Công ước CEDAW, Luật bình đẳng giới 2006, Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007, Bộ luật lao động 2013, Hiến pháp 2013. Việc triển khai các quy định đó khởi đầu đã mang lại những thành quả khả quan. Việt Nam được xếp hạng thứ 43/143 nước trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN về thực hiện bình đẳng giới. Tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIII (2011 - 2016) là 24,4%; Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt, 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ. Tỉ lệ nữ lao động có việc làm là 49%; Tỉ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; 80% trẻ em gái vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi; nữ sinh viên chiếm tỉ lệ 50%; nữ thạc sỹ chiếm tỉ lệ hơn 30%; tiến sỹ nữ chiếm tỉ lệ 17.1%.


Diễn giả Từ Thu Hiền - Người sáng lập và Giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE)

Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại Việt Nam: Tọa đàm “Làm thế nào để giảm thời gian cho phụ nữ trong công việc gia đình”

Để làm rõ hơn hiện trạng bình đẳng giới tại Việt Nam hiện nay, tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để giảm thời gian cho phụ nữ trong công việc gia đình và Phụ nữ sẽ dùng thời gian có thêm này cho việc gì” với sự tham dự của các đại biểu: Bà Lương Lan Dung - Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế, Phó trưởng ban VSTBPN, Trưởng Ban Nữ công quần chúng Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn EVNNPT; ông Nguyễn Phúc An - Phó Giám đốc, Trưởng ban VSTBPN Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1); bà Nguyễn Thanh Hoa - Phó chánh văn phòng, Trưởng Ban Nữ công quần chúng, Phó Ban VSTBPN PTC1; bà Đặng Thị Hải Yến - Trưởng ban Nữ công, Ủy viên thường trực Ban VSTBPN Công ty Truyền tải điện 4; ông Hoàng Văn Tuyên - Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn NPMB.


Các đại biểu tham gia tọa đàm

Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thực tế cuộc sống của các đại biểu tại buổi tọa đàm, người Phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn là người giữ vai trò chủ đạo thực hiện các công việc gia đình như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Điều này làm cho phụ nữ thiếu nhiều thời gian để tự chăm sóc bản thân mình. Đặc biệt, đối với các phụ nữ đang nuôi dưỡng con nhỏ.  

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Tuyên - Phó Giám đốc NPMB chia sẻ, có một số hạn chế khi đàn ông muốn giúp đỡ chị em phụ nữ làm công việc gia đình, như: Đa số đàn ông không khéo léo trong công việc gia đình nên làm hỏng nhiều, kết quả không đạt như mong muốn; nhiều người đàn ông được sinh ra trong gia đình khá giả, được nâng niu chiều chuộng và không phải làm công việc nội trợ từ nhỏ. Thêm vào đó, theo trào lưu của xã hội hiện đại, đàn ông thường dành nhiều thời gian giải quyết công việc qua bàn rượu, dẫn đến hạn chế thời gian giúp phụ nữ trong công việc gia đình.

Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu do những quan điểm và tục lệ cổ hủ ảnh hưởng bởi xã hội phong kiến thời trước như tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, người đàn bà phải “sửa túi, nâng khăn” cho chồng... Một phần cũng do bản thân người phụ nữ tự định kiến với chính mình. Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Chủ tịch mạng lưới các chương trình hỗ trợ phát triển tiềm năng phụ nữ - nhận định rằng, đối với mỗi người phụ nữ, tự nhiên sinh ra cho họ có những khả năng mà đàn ông không có như khả năng sinh sản và nuôi con. Nhiều người phụ nữ tự coi đó là thiên chức của riêng giới nữ. Họ cần mẫn duy trì cái thiên chức đó mà không muốn để đàn ông làm giúp. Chính sự tự định kiến đó làm cho họ rụt rè, thiếu tự tin. Họ không dám chủ động kêu gọi sự hỗ trợ, hoặc không biết cách khơi nguồn cảm hứng để người đàn ông sẵn lòng giúp đỡ.


Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Chủ tịch mạng lưới các chương trình hỗ trợ phát triển tiềm năng phụ nữ

Đời sống ngày càng nâng cao, tư tưởng và quan điểm con người ngày càng đổi mới. Đàn ông ngày càng có xu hướng cảm thông với phụ nữ, chủ động dành nhiều thời gian hơn để chung tay với phụ nữ làm công việc gia đình. Người đàn ông làm nội trợ sẽ tạo động lực kêu gọi các thành viên khác trong gia đình cùng làm, mỗi người một việc, chia sẻ với người phụ nữ. Kết quả là, người phụ nữ sẽ thấy công việc gia đình trở nên nhẹ nhàng và tốn ít thời gian hơn. Khi đó người phụ nữ sẽ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và tái tạo sức lao động, để nghiên cứu và học tập, nâng cao trình độ, để giao tiếp tạo mối quan hệ xã hội phục vụ công việc của mình.

Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại nơi làm việc

Bình đẳng giới tại nơi làm việc là đạt được kết quả bình đẳng ở nhiều khía cạnh cho cả phụ nữ và nam giới, không nhất thiết phải giống hệt nhau: Nam nữ được trả lương giống nhau cho một công việc giống hoặc tương tự như nhau; bãi bỏ những rào cản để phụ nữ được tham gia đầy đủ và bình đẳng trong lực lượng lao động; không phân biệt giới tính trong bất cứ ngành nghề nào, bao gồm các vị trí lãnh đạo; loại bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, nhất là trong các vấn đề liên quan đến gia đình và trách nhiệm chăm sóc. 

Theo các nghiên cứu của Phụ nữ Liên Hợp Quốc năm 2016 và số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2017, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ có bằng đại học của nữ giới cao hơn nam giới 5%, 72% phụ nữ tích cực tham gia vào lực lượng lao động, 28% vị trí trong Hội đồng Quản trị là do phụ nữ đảm nhận so với tỷ lệ bình quân toàn cầu là 19%. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam: phụ nữ được trả lương ít hơn so với nam cho cùng công việc là 20% và khoảng cách này ngày càng tăng; cứ mỗi USD đàn ông kiếm được, thì phụ nữ chỉ được trả 88,7 cents; khoảng 83% các quảng cáo tuyển dụng cho vị trí quản lý có nêu ưu tiên nam giới.

Bên cạnh những định kiến đối với phụ nữ, Bà Hà Thu Thanh đưa ra một góc nhìn khác. Cấu trúc sinh học tự nhiên các bộ phận cơ thể của phụ nữ như cấu tạo của bộ não, cấu tạo cơ quan thính giác… khác với của đàn ông làm cho phản ứng của người phụ nữ thường “chậm hơn, chi tiết hơn”. Do đó, người phụ nữ đóng góp nhiều nhưng chưa nhận được nhiều sự ghi nhận đối với giá trị đóng góp của mình. Những điều này, một phần nào đó, đã hình thành nên những bất bình đẳng về giới trong công việc.

Thực tế thì, đa số phụ nữ, cũng như nam giới, mong muốn được làm công việc cảm thấy hữu ích và thỏa mãn, mong muốn được cân bằng cuộc sống và công việc, mong muốn có khả năng được thăng tiến trong công việc. Do vậy, cần phải có bình đẳng giới tại nơi làm việc. Cải thiện bình đẳng giới ở nơi làm việc sẽ tạo ra nhiều đổi mới, và là nền tảng cho hạnh phúc của xã hội cũng như góp phần tối ưu hóa việc sử dụng các kỹ năng có sẵn và tốt nhất của lực lượng lao động. Điều này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, và sự hài lòng trong công việc của người lao động. Doanh nghiệp nào thường xuyên làm tốt công tác bình đẳng giới sẽ góp phần hình thành nên văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp đó. Chính điều này sẽ mang lại cho doanh nghiệp những giá trị: Sức mạnh cạnh tranh, sức mạnh hội nhập, sự tác động hiệu quả đến hoạt động của doanh nghiệp hướng đến phát triển doanh nghiệp bền vững.

Bài học kinh nghiệm

Qua tìm hiểu các công ty, tổ chức thành công trong công tác bình đẳng giới, toàn thể học viên đã nắm được những bài học kinh nghiệm quý giá. Đó là: Xây dựng lý do chính đáng để thực hiện; xây dựng mô hình mẫu cam kết với sự đa dạng giới tính; phân chia lại vai trò và công việc, thúc đẩy và bình thường hóa điều kiện làm việc linh hoạt; chủ động tài trợ cho những phụ nữ có tiềm năng phát triển; đặt ra mục tiêu rõ ràng hướng tới đa dạng giới, và phải có trách nhiệm thực hiện mục tiêu đó; hỗ trợ nhân tài thông qua cải thiện đời sống; đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện phát triển cho một môi trường làm việc linh hoạt và toàn diện hơn; thách thức các quan niệm cố hữu về tiêu chuẩn trong tuyển dụng và đánh giá; đầu tư phát triển khả năng lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy thay đổi văn hóa; tập trung phát triển những phụ nữ có tiềm năng trong sự nghiệp, và cho họ cơ hội làm việc ở những vị trí chủ chốt. 

Từ lý thuyết đến thực hành, khóa đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động thực tế vui vẻ, đầy ý nghĩa. Hoạt động thi tìm hiểu bằng hình thức trắc nghiệm thông qua ứng dụng điện thoại thông minh và websites giúp phổ biến kiến thức về tình hình bình đẳng giới trên thế giới. Hoạt động giữ thăng bằng chiếc lông công trên đầu ngón tay, nhằm truyền đạt bài học: Vấn đề bình đẳng giới nên nhìn nhận ở nhiều góc độ, nhất là khi nhìn ở góc độ trên cao, tầm của lãnh đạo, quản lý sẽ nắm bắt được cái nhìn tổng quát hơn, sâu rộng hơn từ đó hoạt động sẽ mang tính chiều sâu và bền vững hơn. Đặc biệt, trong hoạt động nhóm, từng nhóm cùng bàn luận, chia sẻ một số ý tưởng hiện thực hóa chương trình bình đẳng giới trong thời gian tới. Từng nhóm học viên đã sôi nổi trao đổi ý kiến đưa ra nhiều ý tưởng về chương trình hành động: Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, đảm bảo bình đẳng trong cả hai giới; tăng cường vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý và trong các tổ chức đoàn thể; thực hiện tốt chính sách xã hội đối với phụ nữ; rèn luyện sự tự tin cho phụ nữ, xóa bỏ định kiến đối với nữ…   


Các hoạt động thực tế

Thay cho lời kết, bà Lương Lan Dung - Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Phó trưởng ban VSTBPN EVNNPT chia sẻ: “Phụ nữ cần vượt qua nỗi lo sợ của chính mình để vươn lên. Điều này quan trọng hơn mọi sự hỗ trợ và tạo điều kiện của xã hội, đồng nghiệp. Để làm tốt công tác bình đẳng giới, cần phải tuyên truyền rộng rãi về bình đẳng giới trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, cần phổ cập giáo dục trong toàn xã hội về bình đẳng giới, giáo dục con người ngay từ khi còn bé. Công tác bình đẳng giới cần chú trọng 5 mục tiêu: Bình đẳng về cơ hội học hành, bình đẳng về công việc và việc làm, bình đẳng về khả năng tham gia vào vị trí lãnh đạo quản lý, bình đẳng về điều kiện để có thể cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc, các cơ quan đoàn thể phải hoàn thiện các bộ máy về sự tiến bộ phụ nữ”.

Thực hiện bình đẳng giới cần phải được thực hiện theo một lộ trình thống nhất, đồng bộ và khoa học. Để thực hiện được công tác này cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đơn vị doanh nghiệp như EVNNPT, công tác bình đẳng giới cần phải có sự chung tay của tất các cấp lãnh đạo và nhân viên, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính quyền và các tổ chức đảng, đoàn thể. Cần thay đổi định kiến của cộng đồng xã hội mà trước hết là thay đổi định kiến của chính người phụ nữ. Mỗi người phụ nữ cần phải tự tin, phải tự thay đổi chính bản thân mình trước tiên./.​

Ngọc Minh - NPMB

Videos - Clips khóa đào tạo
Văn hóa EVNNPT
Văn bản pháp quy
Baner 15 năm